Bản đồ quy hoạch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm hạng mục quy hoạch 2 thành phố, 9 huyện cho thấy sự phát triển vượt bậc và đổi thay diện mạo nhanh chóng của tỉnh thành này.
Nếu bạn là người quan tâm đến địa lý, chính trị, hay đang có ý định đầu tư đất đai tại Đồng Nai, thì việc tìm hiểu bản đồ quy hoạch mới nhất của tỉnh Đồng Nai là vô cũng cần thiết. Hãy theo dõi bài viết sau đây để nắm bắt rõ nhất vấn đề này.
Quy mô, tính chất lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ của nước ta. Tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược định hình và phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, là khu vực nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, là một trung tâm kinh tế lớn của phía Nam, và đang ngày càng phát triển vượt bậc.
Giới thiệu chung về tỉnh Đồng Nai
Tỉnh nằm trong khoảng tọa độ từ 10°30’03B đến 11°34’57’’, từ 106°45’30Đ đến 107°35’00″Đ. Toàn bộ địa bàn tỉnh tiếp giáp với:
+ Phía đông giáp với tỉnh Bình Thuận
+ Phía tây giáp với tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh
+ Phía nam giáp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
+ Phía bắc giáp với các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước.
Hiện tại, địa chính tỉnh Đồng Nai đang được chia ra với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố và 9 huyện, tương đương với 170 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 40 phường, 8 thị trấn và 122 xã.
Các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đồng Nai: Thành phố Biên Hòa, Thành phố Long Khánh, Huyện Long Thành, Huyện Vĩnh Cửu, Huyện Tân Phú, Huyện Định Quán, Huyện Trảng Bom, Huyện Thống Nhất, Huyện Nhơn Trạch, Huyện Cẩm Mỹ, Huyện Xuân Lộc.
Địa hình của tỉnh được bao phủ bởi loại địa hình vùng đồng bằng và trung du với những núi sót rải rác, địa hình thấp dần theo hướng Bắc Nam, nhưng nhìn chung tương đối bằng phẳng. Địa hình Đồng Nai có thể chia làm các dạng cơ bản là vùng đồng bằng, vùng trũng trên trầm tích đầm lầy biển, vùng lượn sóng, dạng địa hình núi thấp, đất phù sa, đất gley và đất cát có địa hình bằng phẳng, nhiều nơi trũng ngập nước quanh năm.
Tỉnh Đồng Nai có quỹ đất phong phú, phì nhiêu và màu mỡ. Theo thống kê, có 10 nhóm đất chính trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, xét theo nguồn gốc và chất lượng đất, thì có thể chia quỹ đất tại đây thành 3 nhóm chung: các loại đất hình thành trên đá bazan, các loại đất hình thành trên phù sa cổ và trên đá phiến sét, các loại đất hình thành trên phù sa mới.
Diện tích tự nhiên của Đồng Nai khoảng 5.907,2 km². Trong đó, phần diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 49,1%, phần diện tích đất lâm nghiệp chiếm khoảng 30,4%, phần diện tích đất chuyên dùng chiếm khoảng 13%, phần diện tích đất khu dân cư chiếm khoảng 2,1%, và phần diện tích đất chưa sử dụng chiếm tầm 5,4%. Tuy nhiên, những năm gần đây, cơ cấu sử dụng đất trên toàn tỉnh đang thay đổi rõ rệt.
Đồng Nai đặc trưng với khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và có khoảng kết thúc giao động từ tháng 10 đến tháng 12. Mùa khô của tỉnh thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm của Đồng Nai khoảng 25 – 27 °C, nhiệt độ lớn nhất trong năm tầm 40 °C và mức nhiệt thấp nhất là 12,5 °C. Số giờ nắng trong năm của Đồng Nai tầm 2.500 – 2.700 giờ. Tỉnh cũng luôn có độ ẩm trung bình cao, khoảng 80 – 82%.
Về địa hình rừng của Đồng Nai. Đây là khu vực có đặc trưng là rừng nhiệt đới, với tài nguyên động, thực vật phong phú. Tài nguyên khoáng sản của Đồng Nai cũng khá phong phú, bao gồm nhiều loại kim loại quý, kim loại màu, đá quý, nguyên liệu gốm sứ, phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng, than bùn, nước nóng và nước khoáng,…
Mục tiêu lập quy hoạch Đồng Nai:
Đồng Nai đang là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển lớn nhất của cả nước với những công trình quy hoạch cấp quốc gia. Theo thông tin mới nhất, mục tiêu quy hoạch Đồng Nai được chia thành các hạng mục:
+ Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh và quy hoạch kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
+ Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai, tầm nhìn đến năm 2025.
+ Tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
+ Định hướng phát triển không gian toàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2050 bao gồm các hạng mục: không gian đô thị, dân cư nông thôn theo hướng dung hợp hài hòa với không gian công nghiệp tập trung, không gian dịch vụ du lịch, không gian sản xuất nông – lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
+ Cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền lập các đồ án quy hoạch xây dựng chuyên ngành, phát triển các chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển.
+ Quản lý, cơ cấu phát triển kiểm soát không gian toàn vùng, tạo ra các cơ hội đầu tư ổn định và bền vững.
Thông tin, bản đồ quy hoạch Đồng Nai
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Là đô thị trực thuộc loại 1 của tỉnh, Thành phố Biên Hòa luôn được chú trọng đầu tư phát triển, là đầu tàu trong công cuộc phát triển của Đồng Nai. Các hạng mục công trình cũng như quy hoạch sử dụng đất nơi đây thường thay đổi và cập nhật nhanh chóng.
Theo thông tin trong việc quy hoạch sử dụng đất thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, trong khoảng thời gian sắp tới, sẽ có 5 vị trí quy hoạch sẽ được điều chỉnh như sau:
+ Dự án Khu đô thị – du lịch Tân Bửu (quy mô 243 ha) tại phường Bửu Hòa – Tân Vạn, trong đó có dự án đầu tư tuyến đường nối từ cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K. Điều này cũng là nguyên nhân lớn gây biến động đất đai, như: quỹ đất ở tăng chung 17 ha, quỹ đất cây xanh tăng 29 ha, quỹ đất dịch vụ giảm 8 ha, quỹ đất du lịch giảm 50 ha.
+ Điều chỉnh hướng tuyến đường trục sinh thái vùng qua phường Long Bình Tân từ phía Nam sông Bến Gỗ, vượt sông Bến Gỗ, không tiếp cận đường Ngô Quyền, vòng tránh phía Tây Bắc khu dân cư dọc hương lộ 2, kết nối giao thông vào quốc lộ 51 tại giao lộ quốc lộ 51 với đường bên cạnh ICD Biên Hòa.
+ Dự án xây dựng và mở rộng Cảng Đồng Nai, dự án cụm kho xăng dầu và khí hóa lỏng, dự án trung tâm kho bãi tại phường Long Bình Tân.
+ Điều chỉnh tạo quỹ đất để tiến hành đầu tư xây dựng và phát triển tuyến hương lộ 2 nối dài, đoạn qua xã An Hòa.
+ Điều chỉnh chức năng quy hoạch khu cây xanh tập trung tại xã Hiệp Hòa (Thành phố Đồng Nai) chuyển sang chức năng quy hoạch đất ở dự án mật độ thấp kết hợp thương mại dịch vụ và công viên cây xanh.
Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Đồng Nai
Theo dự định, Tình hình quy hoạch giao thông tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2021 – 2030 ngoài việc nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông liên huyện, liên tỉnh thì kế hoạch sẽ phần lớn chú trọng vào phát triển hệ thống giao thông thành phố Biên Hòa.
Vị trí của Biên Hòa là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đây cũng là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tiềm năng cũng như năng lực phát triển vượt bậc. Trong tương lai gần, Biên Hòa sẽ còn phát triển và sẽ trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, có cơ hội trở thành một đầu tàu lớn về giao thông trên mọi loại hình từ đường bộ đến đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Trọng điểm quy hoạch giao thông thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hướng đến như sau:
+ Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Đây là tuyến đường kết nối Biên Hòa với sân bay Long Thành với Thành phố Vũng Tàu, công trình này giúp giảm tải giao thông cho Quốc lộ 51 vào năm 2021.
+ Tuyến đường sắt Metro Bến Thành – Suối Tiên – Biên Hòa
+ Đường Nguyễn Hữu Cảnh
+ Hệ thống cầu đường bộ Cù Lao Phố
+ Đường Hương Lộ 2 (tuyến đường kết nối Ngã 4 Vũng Tàu với trung tâm thành phố thông qua Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây)
+ Tuyến đường nối 3 quốc lộ bao gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K và Quốc lộ 51.
+ Bờ Kè và đường ven sông Đồng Nai – đường Nguyễn Văn Trị nối dài.
Thông tin, bản đồ quy hoạch tỉnh Đồng Nai về phát triển không gian
Phân vùng kinh tế gồm 3 tiểu vùng :
Vùng kinh tế Tây Nam Đồng Nai:
– Bao gồm TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch.
– Vùng kinh tế Tây Nam Đồng Nai có vai trò là Vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, đồng thời, hướng đến trở thành Vùng trung tâm đô thị và công nghiệp – dịch vụ mới phía bờ Đông sông Đồng Nai của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam của quốc gia vào năm 2021. Các kế hoạch: Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao; dịch vụ vận chuyển, kho bãi, cảng cạn, cảng biển, dịch vụ hậu cần sau cảng Logistics, dịch vụ hàng không sân bay Long Thành. Phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng, dịch vụ tư vấn, thương mại xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa với trung tâm dịch vụ là thành phố Biên Hòa.
Vùng kinh tế Đông Nam Đồng Nai:
– Bao gồm Thị xã Long Khánh và các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.
– Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, nhanh chóng thực hiện và dịch chuyển từ tiểu vùng trọng điểm nông nghiệp sang thành tiểu vùng trọng điểm công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tạo thương hiệu gắn liền cùng tên tỉnh.
Vùng kinh tế Bắc Đồng Nai:
– Bao gồm huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú.
– Phát triển nông lâm nghiệp kết hợp công nghiệp và dịch vụ, giữ vai trò là khu vực rừng đầu nguồn phòng hộ cho hồ thủy điện Trị An, sông La Ngà, sông Đồng Nai, vành đai xanh nông, lâm nghiệp của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng đa mục tiêu, đặc biệt là Khu rừng Nam Cát Tiên và Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Đồng thời, tiến hành phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu được gắn với sông Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, hồ Trị An, các di tích văn hóa lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên rừng, hồ.
Trên đây là một vài thông tin chính về bản đồ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030 từ giaanproperty.vn. Hi vọng rằng, những thông tin cơ bản này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về định hướng quy hoạch và hỗ trợ bạn khi có hướng đầu tư bất động sản nơi đây.