Người mua bất động sản các tỉnh giáp TP HCM được chuyên gia khuyên nên “ôm” hàng 3-5 năm mới mong có lãi, cơ hội lướt sóng vài tháng tới rất thấp.
Vài tuần đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam: Bình Dương, Long An, Đồng Nai từng bước mở cửa nền kinh tế và có kế hoạch sống chung với Covid-19, hoạt động mở bán bất động sản vùng ven trở lại guồng quay, bung hàng ồ ạt.
Giới đầu tư cũng có động thái đăng ký xem nhà đất ở tỉnh kế cận trong bối cảnh TP HCM vẫn khan hiếm rổ hàng nội đô. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị trước khi “đổ bộ” về thị trường địa ốc tỉnh giáp ranh Sài Gòn thời điểm này, các nhà đầu tư đừng mơ đến kịch bản lướt sóng mà phải nắm giữ tài sản nhiều năm mới mong có lãi.
Tại talk show “Khẩu vị nào cho nhà ở vùng ven” mới đây, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh cho biết, khái niệm vùng ven hiện nay đã không còn giới hạn trong các huyện ngoại ô TP HCM mà đã dịch chuyển ra nhiều tỉnh kế cận: Bình Dương, Long An, Đồng Nai thậm chí xa hơn là Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh…
Các khu vực vệ tinh này còn nhiều quỹ đất, giá bất động sản vẫn được xếp loại là vùng trũng (giá thấp và cạnh tranh so với Sài Gòn) thu hút giới đầu tư túi tiền khiêm tốn 1-1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Chánh, thời điểm này không có cơ hội cho kịch bản lướt sóng kiếm lời ở vùng ven.
“Người có dòng vốn hạn chế trong lúc này đừng mua bất động sản vùng ven theo kiểu gom hàng lướt sóng vì chiến lược đầu tư ngắn hạn hiện không còn phù hợp nữa. Nếu chuẩn bị dòng tiền dài hạn, xuống tiền gom nhà đất vùng ven chờ 3-5 năm tới mới có lợi nhuận”, ông Chánh khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng khẳng định, cơ hội đầu tư bất động sản vùng ven nên tính tầm nhìn 3 năm chứ đừng mơ lướt sóng ngắn hạn vài ba tháng. Ông Hiển phân tích, có nhiều yếu tố cần phải thận trọng xem xét khi mua bất động sản vùng ven sau những cú sốc nặng nề của đại dịch.
Theo ông Hiển, để đầu tư nhà đất vùng ven trong giai đoạn sống chung với đại dịch, người mua cần chuẩn bị dòng tiền dài hạn, chọn nơi có tốc độ đô thị hóa tương đối ổn định, ưu tiên những vùng có quy hoạch cảng, phát triển thương mại, khu công nghiệp lớn, kết nối giao thông thuận tiện. Ngoài ra, nếu đã nhắm mục tiêu đầu tư bất động sản vùng ven, đừng chọn những nơi đã tăng giá quá cao vì cơ hội của khu vực từng sốt giá không còn nhiều.
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Tín Thành xác nhận, thị trường nhà đất không có sóng vì trong giai đoạn chuyển tiếp từ giãn cách sang mở cửa, thanh khoản chưa kịp hồi phục sau nhiều tháng ròng vướng phong tỏa. Các nhà đầu tư lướt sóng đều đã mất hút khỏi đường đua trong những đợt dịch vừa qua. Hầu hết chiến lược đầu tư ngắn hạn đều bị giáng những đòn nặng nề và đứt gãy dòng tiền trong đợt dịch lần thứ tư.
Theo ông Duyệt, đối với thị trường bất động sản vùng ven giai đoạn nới lỏng giãn cách, các nhà đầu tư cần thận trọng chuẩn bị dòng tiền là vốn tự có đủ sức nắm giữ tài sản trong dài hạn, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính để giảm thiểu rủi ro bẫy lãi suất.
“Nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ nhóm tài sản vùng ven như hình thức tích lũy lâu dài nhiều năm hơn là trông đợi vài bữa, nửa tháng bán kiếm lời”, ông Duyệt nói.