Tôi thuê nhà ở và trồng rau bán lấy ngắn nuôi dài. Một năm sau mới quyết định mua đất.

Tôi vốn là một giảng viên, chuyên gia tư vấn quản lý, công việc khá thoải mái và rất chủ động. Vậy mà bỗng dưng tôi chán phố. Tôi chán cái ồn ào, bụi bặm, nóng bức, sự lạnh lùng hời hợt của những người xung quanh… Con tôi cũng sắp vào lớp 1. Tôi sợ con con phải ngập đầu với áp lực thành tích.

Nói chung là tôi chán và muốn thay đổi nhưng chưa biết đi đâu, làm gì? 23 tháng Chạp, sắp xếp xong công việc, hai mẹ con xách xe lên Đà Lạt rồi từ Đà Lạt đạp về Sài Gòn cũng vừa hết Tết. Mục tiêu chuyến đi là vừa trốn Tết, vừa tìm miền đất mới.

-

Về tới Sài Gòn, tôi quyết định chuyển lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) ở. Khi ấy, tôi nghĩ đơn giản chỉ về Bảo Lộc ở thôi, công việc vẫn diễn ra bình thường vì đàng nào cũng xách valy đi suốt thôi.

Tuy nhiên, khi về đấy ở rồi, con tôi đi học ngày hai buổi suốt cả tuần. Tôi lu bu đưa đón con không thể nhận lớp hay tư vấn xa được. Ở Bảo Lộc thì tôi không quen biết ai, cũng không ai biết tôi là ai. Vậy là tôi vừa “mất dạy”, vừa không thể nhận hợp đồng tư vấn. Sắp chết đói.

-

Nhưng tôi vẫn không muốn về lại phố. Rồi tôi nhìn quanh. Xung quanh nó là một rừng thảo dược. Trước nhà là bờ rào hoa dâm bụt, bụi cúc tần. Sau nhà xuyến chi, cỏ mần trầu, hương nhu, nhất điểm hồng, viễn chí, bồ công anh, tàu bay, giảo cổ lam, hà thủ ô… Từ ngày về, tôi không xịt thuốc diệt cỏ nên chúng đã xum xuê như chưa từng được sống.

Vậy là thay vì diệt cỏ, tôi hái cỏ bán. Cỏ non tôi bán rau thảo dược. Cỏ già tôi làm trà thảo dược. Những thứ tưởng chừng vô dụng như: dâm bụt, xuyến chi, cúc tần, cỏ mần trầu… tôi hái làm nước tắm gội. Vậy là thị trường có thêm mấy món thảo dược giá bèo. Còn mẹ con tôi đủ tiền mua gạo.

Ngày chưa về rừng, tôi thường nói với mọi người rằng: “Khi có mục tiêu – bạn luôn tìm ra giải pháp”. Giờ tôi lại nói khác: “Khi mong đợi dủ lớn – con đường sẽ hiện ra”.

Một câu hỏi lớn là về vườn cần bao nhiêu tiền? Bao nhiêu đất mới sống được? Lâu lâu có bạn phố đến chơi thấy tôi với tay đã có rổ rau ngon, con tôi xách cần ra cửa ngồi chút đã đủ cá ăn, đi một vòng đã có rổ trứng đầy thì thích lắm. Rồi bạn tâm sự: Cũng muốn về vườn mà còn lo chưa đủ tiền, chưa có đất… và việc học của con cái khó khăn.

Thực ra, một năm đầu về vườn của tôi có cục đất nào đâu. Ở vườn, thuê căn nhà nho nhỏ, có sân trước, vườn sau chỉ khoảng 1 – 1,5 triệu đồngmột tháng. Chịu khó nuôi trồng cũng đủ ăn. Nhiều tiền, nhiều đất thì làm kiểu đại gia. Ít tiền, ít đất thì trồng rau củ, nuôi gà vịt lấy ngắn nuôi dài. Rau có loại chỉ 10 ngày thu hoạch rồi, bạn lo gì đói?

Vấn đề là bạn phải dám nghĩ và dám làm khác. Nông dân sống cả đời với đất mà làm nông còn thấy khó thì nếu bạn làm giống họ, cạnh tranh với họ thì liệu bạn có sống nổi không? Ở đâu mà muốn có ăn thì cũng phải làm.

Ở phố, bạn đau đầu, nhức óc, uể oải toàn thân… còn ở vườn: cái đầu, cái tai, cái mắt, cái mũi, cái miệng cái nào cũng sướng. Chỉ có cái tay, cái chân thì hơi vất vả tí. Thôi thì tay chân hy sinh chút cho mấy cái kia sung sướng cũng xứng đáng lắm thay.

Còn việc học của con, ngày xưa, bạn học ở phố hay vườn? Hơn 80% dân phố ngày nay đều xuất thân từ vườn mà ra. Bạn có thấy mình có thật sự kém cỏi hơn các bạn cùng trang lứa ở phố không?

-

Ngay từ đầu, mục tiêu về vườn của tôi là tìm môi trường sống trong lành và ngôi trường học không áp lực cho con. Cho nên, tôi không thèm chọn trường điểm, trường chọn mà chọn luôn trường có nhiều học sinh dân tộc gần đó. Cái trường gì mà “kỳ cục”: giáo viên ngoài giờ dạy còn lăn ra sơn sửa trường lớp, trồng cây, hoa, trang trí sân trường… vì trường không có tiền thuê làm mà cũng không muốn kêu gọi phụ huynh đóng góp.

Giáo viên cũng thật “kỳ cục”: lương đã thấp mà còn tự nguyện trích tiền hỗ trợ học sinh nghèo để trò được đến lớp. Cuối năm, trường không kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền để mua quà tặng học sinh giỏi mà thầy cô cùng ban giám hiệu tìm cách tiết kiệm mọi chi tiêu và cả trích thêm tiền lương ít ỏi của mình cho học sinh vui.

Bởi vậy, con tôi mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Con yêu thầy cô như yêu mẹ. Mến bạn bè như chị em. Ở trường có gì cũng về kể mẹ nghe. Nhà có gì cũng muốn đem đến trường chia sẻ cho bạn và tặng thầy cô.

Sau hai năm về vườn, 8 tuổi, con biết làm tất cả việc nhà, biết vác cuốc theo mẹ ra vườn trồng cây, câu cá, biết nhận ra cả những cây thảo dược mọc dại trong vườn hay ven đường…

Kim Thuy